Là công ty tư nhân 100% vốn trong nước, Giấy Đồng Tiến đã chọn cho mình hướng đi riêng trong chiến lược sản xuất, kinh doanh.


46Nhằm tránh đối đầu với các tập đoàn sản xuất lớn có vốn đầu tư nước ngoài, công ty sử dụng lại các sản phẩm thứ cấp, nói đúng hơn là phụ phế phẩm để làm nguyên liệu sản xuất phục vụ ngành công nghiệp phụ trợ. Bên cạnh thành công về chiến lược sản xuất, kinh doanh, Giấy Đồng Tiến còn là doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật lao động và các quy định bảo vệ môi trường.

Phế nhưng không là thứ bỏ đi!

Đặt chân vào nhà máy sản xuất Giấy Đồng Tiến (ấp 3, xã Tân Định, huyện Bến Cát) chúng tôi không khỏi bất ngờ trước hàng núi giấy phế liệu được ép thành khối chất bao quanh gần cả khuôn viên nhà máy, đây là nguồn nguyên liệu đầu vào được các đơn vị vệ tinh của công ty thu gom từ các vựa phế liệu, phế phẩm bao bì của các nhà sản xuất, công ty lớn từ khắp nơi đổ về. Giống như một số sản phẩm tái chế khác, vòng đời của giấy bắt đầu từ bột giấy để sản xuất ra giấy cao cấp. Hết thời gian sử dụng nó trở thành phế liệu và được thu hồi để tái chế ra loại giấy mới có phẩm cấp thấp hơn thông qua quy trình thu hồi bột giấy bằng phương pháp thủy phân (ngâm nước). Lý thuyết tuy ngắn gọn như thế, nhưng đi vào sản xuất là cả một quá trình gồm nhiều quy trình sản xuất khác nhau, đặc biệt nguồn nguyên liệu đầu vào là mặt hàng phế liệu được thu gom từ nhiều nguồn khác nhau nên vấn đề an toàn vệ sinh, bảo đảm sản xuất là ưu tiên hàng đầu. Nhà máy sử dụng nguồn nước cấp từ giếng khoan, nhưng lại có 2 hệ thống thoát nước riêng biệt, hệ thống cống thoát nước mưa tự nhiên và hệ thống nước thải sản xuất được thu gom vào một bồn chứa trước khi bơm lên hệ thống xử lý bằng hóa chất và công nghệ vi sinh, công suất 300m3/ngày đêm. Nước thải sản xuất đều được thu gom và xử lý triệt để, đạt tiêu chuẩn loại B trước khi thải ra môi trường. Công trình này hoạt động liên tục từ khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động từ năm 2004 đến nay với vốn đầu tư lên đến 700 triệu đồng. Do nó sử dụng công nghệ vi sinh, nên nếu ngưng hoạt động thì vi sinh sẽ chết và phải nuôi cấy lại vừa mất thời gian vừa hao tốn kinh phí.

Để phế thải không phải là thứ bỏ đi cần phải có sự quan tâm đầu tư từ đầu và tinh thần tôn trọng pháp luật bảo vệ môi trường, cũng như thiện chí của nhà quản lý doanh nghiệp. Vừa đưa chúng tôi tham quan nhà máy sản xuất, hệ thống xử lý nước thải, ông Lê Duy Thanh, Giám đốc Công ty Giấy Đồng Tiến, Chi nhánh Bình Dương vừa giải thích như thế. Nhờ làm tốt công tác bảo vệ môi trường mà qua nhiều lần kiểm tra định kỳ lẫn đột xuất của cơ quan chức năng, Nhà máy giấy Đồng Tiến luôn được đánh giá cao, hàng hóa của công ty làm ra không kịp để bán vì tạo được lòng tin ở khách hàng.

Phát triển gắn với đầu tư

Nằm trong khu vực sản xuất gồm nhiều doanh nghiệp sản xuất giấy, thép phế liệu là “nghi phạm” chính gây ô nhiễm dòng sông Thị Tính, nhưng ông Lê Duy Thanh, Giám đốc công ty tự tin khẳng định: “Cái khó lớn nhất của chúng tôi là bảo đảm sản xuất thân thiện với môi trường. Doanh nghiệp luôn xác định ngoài nhiệm vụ ổn định sản xuất, bảo vệ môi trường chúng tôi còn phải có nghĩa vụ với xã hội và trách nhiệm với môi trường, nên ngay từ đầu công ty đã đầu tư, vận hành tốt hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quy định. Cái khó lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là duy trì ổn định tiêu chuẩn này vì nó gắn liền với chất lượng, đầu ra của sản phẩm. Có thị trường ổn định, được khách hàng tin tưởng thì sản xuất sẽ phát triển, điều này đồng nghĩa với đời sống của người lao động luôn được nâng cao. Thu nhập bình quân của 100 lao động tại nhà máy từ 3 – 3,5 triệu đồng/người/tháng, tất cả đều đã có hợp đồng lao động, được công ty mua bảo hiểm tai nạn, y tế, xã hội đầy đủ, hơn cả quy định bắt buộc hiện có. Nên từ khi hoạt động đến nay chưa có công nhân nào bỏ việc tại đây để đi tìm việc tại nơi khác, mà chỉ có nghỉ việc vì hoàn cảnh gia đình, vì công việc riêng không thể tiếp tục làm việc được nữa”.

Có được thành quả trên là vì ngoài thu nhập ổn định, anh chị em còn có môi trường làm việc thân thiện, tình cảm, cùng tham gia vui chơi, giải trí, du lịch như một đại gia đình. Do đó, vấn đề đầu tư đối với doanh nghiệp là rất quan trọng vì đầu tư là để phát triển, nhưng khi đã phát triển thì phải càng quan tâm hơn đến đầu tư, quan trọng nhất là đầu tư cho người lao động, vì đây chính là lực lượng nòng cốt tạo ra sản phẩm, đặc biệt trong vấn đề cạnh tranh, hội nhập như hiện nay thì cạnh tranh lao động là vấn đề bức xúc nhất trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

Theo Bình Dương online